Quan trọng như tiếng nói, chữ viết, Toán học là môn học nền tảng giúp trẻ phát triển tư duy, trí thông minh, là cơ sở để trẻ dần tiếp nhận các kiến thức khoa học tự nhiên khác và hình thành kỹ năng giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Do vậy, việc yêu thích và hiểu được bản chất, nắm vững căn bản về các con số ngay từ đầu sẽ khiến hành trình học tập của trẻ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Giai đoạn tiền tiểu học, ngay cả khi bố mẹ đã chọn được cho bé những khóa học tâm đắc, ở nhà bố mẹ vẫn nên đồng hành, nuôi dưỡng sự tự tin của con với môn Toán một cách khoa học và tâm lý.
Nhận biết các con số và hình dạng
4 bước quan trọng cần nhớ để bé học được số:
– Tập cho bé đọc đúng số – cách phát âm. Bạn cần bắt đầu với việc cho con nghe các số. Thay vì chỉ nói “con gà”, hãy nói “một con gà”, thay vì chỉ nói “con gấu”, hãy nói “hai con gấu”,…. Não bộ của bé luôn tiếp nhận thông tin ngay cả khi bé chưa tập nói, nên những âm thanh xung quanh vẫn được bé tiếp thu và dần dần, những con số sẽ trở nên quen thuộc với bé.
– Tập cho bé nhớ đúng số – tập đếm. Cho bé nghe các bài hát về đếm số: Một ông sao sáng, Xòe bàn tay đếm ngón tay, Một với một là hai, Five little ducks,… Cùng bé tập đếm các món đồ xung quanh. Khi bé ngồi trong lòng bạn, hãy thử xoa nhẹ bàn tay, bàn chân bé và rủ bé chơi trò “đếm ngón tay” (ngón chân).
– Làm quen với ký hiệu số – phần nhìn. Trẻ có thể đọc số rất sõi, ghi nhớ các bài hát rất tốt, nhưng vẫn rất khó nhận biết và đọc được những con số nếu chúng xuất hiện trước mắt. Bố mẹ nên cho bé tiếp xúc với ký hiệu số theo nhiều cách khác nhau như nhận biết các số xung quanh: số xe buýt, số nhà, biển số xe, số trên màn hình điện thoại,…Bất kể bạn thấy số ở đâu, hãy cùng con đọc to số đó. Khi bé cứng cáp, bạn có thể hướng dẫn bé tô màu các số: “con tô giúp mẹ màu xanh vào số 4 nhé”,…
Bố mẹ cũng không quên liên tục nâng cao các “bài tập” của mình để bé tư duy đa chiều. Ví dụ, khi bé đọc từ 0 đến 10, hãy yêu cầu bé đọc ngược lại. Nếu bạn chơi cùng bé với một bộ thẻ số, hãy “thách đố” bé bắng cách bạn đọc đến đâu thì bé xếp số ra đến đó. Thỉnh thoảng, bố mẹ hãy lấy đi một (vài) số và hỏi bé xem số còn thiếu là số mấy. Nâng cao hơn, bố mẹ có thể yêu cầu bé xếp đúng số vào các vị trí còn thiếu, xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và ngược lại. Cách này vừa rèn trẻ khả năng quan sát, vừa tốt cho trí nhớ.
– Gán các con số vào với số lượng. Các con số sẽ trở nên vô nghĩa nếu không gán cho chúng một giá trị nào đó. Bố mẹ từ từ hướng dẫn bé cách lấy đồ vật sao cho khớp với con số được đặt ra ban đầu. Có thể thực hành với việc “kiểm kê” đồ chơi, quà tặng của con. Sau đó hãy đặt ra những “thử thách” nho nhỏ mỗi ngày để bé nhớ lâu hơn: nhờ con lấy các đồ vật theo số lượng cho trước, “con cầm giúp mẹ một chiếc thìa”, “lấy giúp mẹ hai quả chanh”,…. Nâng cao hơn, bố mẹ có thể cho bé làm quen với việc đong đếm, đo lường thông qua những hoạt động hàng ngày như khi phụ mẹ nấu cơm, làm việc nhà.
Tương tự như vậy về phần hình dạng, bố mẹ cũng nên khéo léo đưa vào nhận thức của trẻ mỗi ngày một chút các khái niệm như hình tròn, hình vuông, hình bông hoa, hình cái chai,.. và có các bài tập, trò chơi thực hành với bé. Một trong những bài tập điển hình về nhận diện hình khối là bài tập cắt/xé dán, hoặc ghép các hình thành một hình lớn hơn, thành bức tranh.
Thông hiểu và vận dụng
Biết so sánh
Khi con đã nhớ được số, biết cách đếm số, lấy đúng số lượng đồ vật theo số mà bố mẹ yêu cầu, thì thật dễ dàng để dạy con phân biệt thêm các khái niệm như thêm, bớt, nhiều hơn, ít hơn, to, nhỏ,… thông qua các đồ vật trực quan. Lúc này, hãy dạy con thêm khả năng so sánh hình dáng, kích thước đồ vật. Một bài tập bố mẹ có thể tham khảo như: đưa cho con một que tính và con bắt đầu tìm kiếm trong nhà 2 đồ vật nào dài hơn và 3 đồ vật ngắn hơn que tính đó (đây là một cách để con vừa học cách so sánh đồ vật vừa luyện tập khả năng đếm). Một cách khác, bố mẹ đưa cho bé một trái bóng nhỏ và bé sẽ đi tìm 2 đồ vật cùng có dạng tròn và lớn hơn hoặc nhỏ trái bóng. Bố mẹ có thể bất ngờ với khả năng logic của con thông qua kết quả con tìm được đấy!
Tập làm phép tính
Để dễ hiểu nhất, hầu như các bé đều cần dùng đến que tính. Que tính chính là cách dạy trẻ lớp 1 học toán bằng ví dụ minh hoạ cho độ lớn và mối quan hệ các phép tính với các con số. Nhưng bản chất, que tính cũng là một vật tượng trưng cho một đơn vị tính, do đó, bố mẹ có thể dạy bé các phép tính bằng bất kỳ những món đồ nhỏ nào xung quanh bé: viên kẹo, chiếc bánh, các bông hoa cắt dán, miếng lego, que kem,…
Bên cạnh trình tự phù hợp để “huấn luyện” bé trở nên yêu thích Toán học, bố mẹ cũng cần nắm được các phương pháp khác nhau để bé được “học” Toán một cách đa dạng, vui vẻ và hiệu quả nhất:
Lăng kính cuộc sống, câu chuyện Toán học
Toán học xuất phát từ cuộc sống và sẽ phục vụ cho cuộc sống. Cách tiếp cận khái niệm Toán học nào cũng sẽ hiệu quả hơn khi trẻ có thể liên hệ khái niệm đó với những hoạt động hàng ngày. Do đó, xung quanh bé, bất kỳ tình huống nào cha mẹ cũng có thể tận dụng để bé được tương tác, thực hành với toán học.
– Khi mua sắm: Nhờ bé đếm số lượng hàng hóa đã mua, những món hàng to, nhỏ, hay kiểm tra xem có thiếu/thừa món nào không. Đối với trẻ lớn hơn, có thể tập cho con quản lý tiền bạc, kiểm tra hóa đơn, tính toán những món hàng giảm giá.
– Khi nấu nướng: Gian bếp thực sự là một lớp học Toán thu nhỏ cho trẻ, bé có thể giúp ba mẹ rất nhiều việc: đếm số lượng trái cây và bày ra đĩa; cân đo nguyên liệu khi phụ mẹ làm bánh, sử dụng khuôn hình dạng khác nhau làm rau câu, canh thời gian hoàn thành một món ăn, đong gạo nấu cơm,…
– Trên đường đi: Quãng đường từ nhà tới trường đi qua bao nhiêu chốt đèn giao thông, bao nhiêu ngã tư, bé có đọc được số giây đếm ngược khi đèn đỏ,…?
Giới thiệu những thông tin thú vị về Toán học
Bản tính của trẻ là tò mò. Thay vì trực tiếp đưa ra đề Toán, bạn có thể khơi gợi sự tò mò ở trẻ bằng cách kể chuyện về Toán học. Ai là người phát minh ra khái niệm hình tròn? Các con số có từ bao giờ? Những câu chuyện này có thể khiến trẻ hứng thú với môn Toán. Ngoài ra, còn có những cuốn sách tuyệt vời biến thông tin Toán học thành câu chuyện thú vị như: The Number Devil, Bộ sách những câu chuyện khoa học dành cho thiếu nhi, Những cuốn sách thần kỳ của Filliozat – tự tin ở đâu xa, tớ ở ngay đây mà,…
Video hoạt hình
Trẻ học Toán rất vui thông qua các hình dạng, màu sắc và các yếu tố hoạt hình. Do đó, hãy cho con xem các video hoạt hình có lồng ghép kiến thức Toán học, để con vừa được thư giãn, vừa tiếp thu, nhắc đi nhắc lại kiến thức. Đặc biệt các video được xây dựng từ tình huống thân quen với cuộc sống hàng ngày của con cũng sẽ khiến con thích thú hơn, nhớ lâu hơn. Khi trong cuộc sống bắt gặp những việc tương tự, con dễ dàng nhớ đến những gì đã xem được.
Trò chơi
Đây là cách học vô cùng hiệu quả, không chỉ tốt cho tư duy Toán mà còn rèn nhiều kỹ năng mềm khác. Trò chơi được hiểu rất đa dạng, từ đơn giản ngay trong cuộc sống hàng ngày đến những trò chơi, câu đố trên các ứng dụng, sách báo; có những game cần “đạo cụ” nhưng cũng có những trò đố vui rất đơn giản mà bố mẹ có thể cùng con thực hiện bất cứ lúc nào – như khi đi ăn, đi chơi, trong cuộc trò chuyện trên đường về,….
Kiên nhẫn, đồng hành, tích cực
Ngay cả khi bố mẹ có những phương pháp tốt nhất trong tay, không phải lúc nào việc nuôi dạy con cũng được như ý. Bố mẹ không nên quá nôn nóng khiến con trẻ bị áp lực và sợ hãi việc đi học, đặc biệt trong giai đoạn khi bé chuẩn bị vào lớp 1. Thay vì nói những lời tiêu cực mỗi khi con chậm hiểu, như “cái đơn giản thế này mà con không học được thì mai kia đến trường con làm sao theo kịp bạn bè?”, bố mẹ hãy động viên con rằng nỗ lực và sự bền bỉ mới là điều quan trọng. Hãy rèn cho con tâm thế tích cực, sự tự tin rằng con có thể chinh phục môn Toán, thay đổi từ cách nói “con không làm được bài này” thành “con chưa giải được bài đó”.
Và đừng quên dành thời gian cùng con luyện tập, ứng dụng Toán học mọi lúc mọi nơi, học mà chơi, chơi mà học để đạt kết quả tốt một cách tự nhiên nhất.