“Edutainment” – Trọng tâm của các xu hướng giáo dục trong 03 năm tới sẽ xoay quanh việc đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt, tốc độ, tập trung và thiết thực hơn của mọi lứa tuổi.

Tác động kép của cuộc cách mạng 4.0 và đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong mọi khía cạnh của giáo dục, phá vỡ những rào cản, định nghĩa và cách tư duy truyền thống. Tốc độ phát triển của công nghệ cùng với sự đào thải khốc liệt của thị trường lao động những năm vừa qua cho thấy tương lai gần sẽ có những làn sóng đổi mới rõ rệt đối với giáo dục, khi đây là ngành “cung ứng” nguồn nhân lực thế hệ mới cho thị trường.

Việc nắm bắt các xu hướng đáng chú ý của giáo dục trong 03 năm tới đây sẽ giúp các tổ chức, cá nhân định hình và thích nghi hiệu quả hơn:

Mục lục

1. Micro và nano-learning – Những bài học có “kích thước” nhỏ nhưng tác động lớn.

Kỷ nguyên công nghệ xoá bỏ mọi ranh giới, mang đến mọi tiện ích khổng lồ chỉ sau vài cú click, kéo theo đó, con người ngày càng thiếu kiên nhẫn và sự tập trung cho mỗi vấn đề. Cách học tập với những đơn vị kiến thức siêu nhỏ, “vừa miếng” – để có thể nạp tại bất cứ đâu, bất cứ khi nào, còn gọi là nano-learning trở thành xu hướng.

Tuy nhiên, không chỉ nói về dung lượng, nano-learning còn là một dạng “trường phái” tiếp thu mới, quan điểm “ít hơn là nhiều hơn” (less is more): người học (não bộ) chỉ tập trung ghi nhớ chính xác những thông tin cần thiết, quan trọng và phục vụ nhu cầu mục tiêu tại thời điểm đó. Bởi lẽ các kiến thức đã được “đóng gói” dưới dạng viên nang, người dùng dễ dàng tra cứu, xem lại khi cần. Có thể nói, đây chính là hệ quả của thời gian giãn cách toàn xã hội, con người tập trung tới những thứ thiết yếu thay vì phải để tâm quá nhiều.

Với nhu cầu học tập siêu nhanh, siêu gọn này, các hình thức nội dung như video ngắn, podcast, đoạn âm thanh, sách lật,… càng ngày càng được ưa chuộng. Các nền tảng social lớn nhất thế giới như Meta, Youtube, Tiktok đã sớm thu hút, giữ chân hàng tỷ người dùng với những video ngắn dưới 2 phút cùng hàm lượng nội dung giáo dục ngày càng cao.

Hiện nhiều công ty công nghệ giáo dục lớn trên thế giới như Coursera, Udemy hay Duolingo đánh mạnh vào hình thức học tập “vi mô”. Mỗi bài học được chuyên gia thiết kế ngắn gọn chỉ trong khoảng 5 – 20 phút, tập trung vào một điểm kiến thức nhỏ. Tại Việt Nam, nền tảng học trực tuyến cho học sinh liên cấp VioEdu là một trong số những đơn vị đầu tiên triển khai các bài giảng với thời lượng dưới 3 phút cho học sinh, tận dụng tối đa khoảng tập trung cao nhất của học sinh tiểu học để truyền tải kiến thức.

2. Mobile learning – Học tập trên thiết bị di động cải thiện năng suất tới 43%

nghien-cuu-cua-mordor-intelligence-ve-thi-truong-hoc-tap
Thị trường học tập qua thiết bị di động giàu tiềm năng phát triển, theo nghiên cứu của Mordor Intelligence

Có tới 80% dân số thế giới hiện sử dụng điện thoại thông minh, trong đó nếu chỉ được chọn một thiết bị, có 27% chọn điện thoại thay vì máy tính (14%), theo nghiên cứu của Google. Dễ thấy, con người có thể gần như làm tất cả mọi tác vụ cần thiết – không chỉ học tập mà làm việc – trên điện thoại.

Cùng với xu hướng học các bài học vi mô như đã đề cập, việc tham gia và hoàn thành các khoá học trên thiết bị di động sẽ nhanh hơn 45% so với người học trên máy tính để bàn, từ đó mang lại năng suất cao hơn.

Sức nóng của thị trường ứng dụng giáo dục cũng dẫn tới một kết luận tương tự, khi tốc độ tăng trưởng CAGR dự báo là 28.61% từ năm 2022 – 2027. Quy mô thị trường ước tính cũng sẽ tăng thêm 124.782,56 triệu USD, và thị trường sôi động nhất cho các ứng dụng giáo dục phải kể đến Châu Á Thái Bình Dương với tỷ trọng 47% (tính đến 2027). Đây cũng là khu vực chiếm hơn một nửa tổng số thuê bao toàn cầu, và có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới về dịch vụ di động với gần 500 triệu thuê bao mới được bổ sung kể từ năm 2014.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng, khi là một trong những quốc gia có số lượng người sử dụng điện thoại di động cao top đầu thế giới, với 79% dân số. Theo kết quả ước tính sơ bộ tháng 9/2022, Việt Nam có tổng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động là 265 triệu, xếp thứ 10 toàn cầu về quốc gia có số lượng lượt tải ứng dụng nhiều nhất (Bộ TT&TT).

Trước thực tế này, trong ba năm tới, số lượng các khoá học eLearning từ các công ty Edtech được tối ưu hoá cho thiết bị di động và máy tính bảng sẽ tăng đáng kể. Một điều tuy không mới nhưng đáng lưu ý cho các nhà sản xuất nội dung giáo dục đó là khả năng tương thích giữa nhiều môi trường, đảm bảo rằng nội dung tương tác có thể được truy cập dễ dàng trên tất cả các thiết bị.

3. Edutainment và gamification trong giáo dục

Hai thuật ngữ này đều được hiểu là việc thiết kế trải nghiệm học tập thông qua hoạt động giải trí, trò chơi nhằm thu hút sự chý ý, kích thích đa giác quan, tăng khả năng tiếp thu và ghi nhớ của người học.

hoc-qua-bai-giang-vioedu
Học tập thông qua hoạt động giải trí khơi gợi hứng thú cho người học

Thực tế, việc đưa các hoạt động trò chơi, trải nghiệm, thí nghiệm, kể chuyện, đóng vai,… để truyền tải kiến thức đã được các giáo viên sử dụng từ nhiều thế kỷ nay, nhưng với tỷ lệ giới hạn. Ngày nay với sự trợ giúp của công nghệ, ứng dụng giải trí vào giáo dục trở nên dễ dàng, được thực hiện thường xuyên hơn và nhiều không gian để sáng tạo hơn bao giờ hết.

Các yếu tố công nghệ trợ giúp cho xu hướng này bao gồm: tính tương tác, phản hồi tức thì, đồ hoạ, hoạt hoạ, không gian đa chiều, thực tế ảo và logic game hoá. Gamification biến khóa học thông thường thành trải nghiệm tương tác bằng cách kết hợp các yếu tố trò chơi như luật tính điểm cộng dồn, giới hạn thời gian, trao huy hiệu, bảng xếp hạng và những giải thưởng theo thành tích.

Năm 2022, chiến dịch Learn on Tiktok ghi nhận hơn 9.4 triệu video và 329 tỷ lượt xem, cao gấp 31 lần so với năm 2021, chứng minh sự hiệu quả và sức thu hút của các nội dung cung cấp kiến thức trên các nền tảng social. Về mặt tâm lý, việc có thể học thông qua một hoạt động giải trí sẽ khiến người dùng giảm đi những lo ngại về việc lãng phí thời gian vô bổ trên Internet.

Trong thời gian tới, thị trường Edtech sẽ tràn ngập các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu giải trí giáo dục, sẽ sử dụng trò chơi điện tử, ứng dụng di động cũng như mạng xã hội làm yếu tố quan trọng trong việc cung cấp nội dung giáo dục.

4. Hybrid learning – Định nghĩa lại về “lớp học”

Hybrid learning là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong ngành giáo dục trong bối cảnh “bình thường mới”, bởi đại dịch Covid-19 đã mang đến những thay đổi sâu sắc về lối sống cũng như tư duy của toàn nhân loại, bao gồm cả cách tổ chức lại lớp học. Mô hình này được phát triển mạnh mẽ trong 02 năm trở lại đây tại nhiều quốc gia trên thế giới, lên tới 150,000 cơ sở giáo dục, bao gồm các trường đại học, cơ sở đào tạo sau đại học và dành cho người đi làm tại Việt Nam.

mo-hinh-hybrid-learning-tai-truong-fulbright
Một giờ học theo mô hình hybrid-learning tại trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Hybrid learning (học tập tích hợp) là mô hình kết hợp và đồng bộ giữa học trực tiếp tại lớp và học online, học viên có thể linh hoạt lựa chọn cách thức tham gia lớp học phù hợp nhất mà không có sự khác biệt về chất lượng.

Cụ thể, trong các buổi học theo mô hình hybrid learning, giảng viên đứng lớp sẽ sử dụng các thiết bị ghi hình (có thể chuyển động theo hướng di chuyển của giảng viên) và phát sóng trực tiếp đồng thời lên các nền tảng trực tuyến. Các học viên lựa chọn tham gia từ xa cũng có thể theo dõi, tương tác, tham gia các hoạt động cùng những học viên tại lớp.

Mô hình này được đánh giá mang tới nhiều ưu điểm, khắc phục những hạn chế của lớp học truyền thống, khi đem tới sự linh hoạt cho học viên và tối ưu thời gian, nguồn lực cho các bên. Khi vận hành một lớp học theo mô hình hybrid learning một cách hiệu quả, giảng viên và học viên có thể tận dụng lợi thế công nghệ để trao đổi, số hoá tài liệu, tạo để điều kiện cho người học tự nghiên cứu, bàn luận với giảng viên ngoài những giờ học chính khóa. Các sinh viên cũng cho rằng họ có thể phát triển thêm nhiều kỹ năng phục vụ cho công việc hơn thông qua hình thức học tập này.

Đây cũng là mô hình đặt nền móng cho xu hướng tương lai, giải quyết bài toán về “giáo dục công bằng” – không khoảng cách, khi công nghệ được khai thác để việc học tập trở nên đa chiều thay vì chỉ truyền đạt 1 chiều như các hình thức học online.

5. Trí tuệ nhân tạo – vai trò không thể phủ nhận

Năm 2023, thế giới “phát sốt” với ChatGPT – một sản phẩm của AI, và những ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo sẽ còn được phát triển với tốc độ và sự đa dạng vượt ra ngoài sức kỳ vọng của con người.

Trong giáo dục, AI có những ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi khâu, từ việc tuyển dụng, tư vấn tuyển sinh; sáng tạo nội dung thông minh một cách nhanh chóng, đẹp mắt, cập nhật và phù hợp với nhu cầu người học; kết hợp với công nghệ thực tế ảo để mang đến những trải nghiệm học tập nhập vai đột phá; cá nhân hoá nội dung học tập; tự động hoá các tác vụ lặp đi lặp lại như kiểm tra bài tập về nhà, chấm điểm bài kiểm tra, duy trì báo cáo, thuyết trình và ghi chú cùng các nhiệm vụ quản trị khác; hỗ trợ 24/07 – giúp tra cứu, tổng hợp kiến thức một cách nhanh chóng,…

Năm 2024, AI sẽ hỗ trợ giáo viên nhận dạng cảm xúc của học sinh, xác định những lỗ hổng của lớp học, những thiếu sót trong bài thuyết trình hoặc tài liệu giáo dục để đề xuất điều chỉnh, phát triển hệ thống học tập thích ứng có thể thay đổi mức độ khó của nội dung dựa trên mức độ thành công của người học.

Tại Việt Nam, học sinh ngay từ tiểu học đã có thể tiếp cận cách học với trí tuệ nhân tạo, thông qua hệ thống VioEdu. VioEdu được phát triển bởi tập đoàn FPT, đi đầu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và phương pháp học tập thích ứng, để trao cho mỗi học sinh trên toàn quốc một kênh học tập chủ động: linh hoạt về thời gian, chủ động lựa chọn các kiến thức cần học, được phân tích điểm mạnh, điểm yếu và gợi ý lộ trình học tương thích với khả năng. Khi học tập theo cách này, học sinh được học theo đúng trọng tâm và năng lực, từ đó loại bỏ tâm lý chán nản, thiếu tự tin. Điều này trực tiếp giúp học sinh giảm thời gian học và tăng hiệu quả.

BXH-tren-he-thong-hoc-truc-tuyen-vioedu
Ngày càng nhiều sản phẩm giáo dục trực tuyến ứng dụng AI và các yếu tố game hoá nhằm mang đến trải nghiệm học tập tốt hơn cho học sinh cấp 1,2

6. Các chứng chỉ vi mô và học tập suốt đời

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi thế giới một cách nghiêm túc. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế hàng loạt công việc từ đơn giản đến siêu phức tạp, kiến thức sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh. Việc học tập ở trường lớp chỉ là sự khởi đầu, và con người cần sẵn sàng học tập mọi lúc mọi nơi, học tập suốt đời để không bị tụt lại.

Các nhà tuyển dụng cho rằng cứ 10 người lao động thì sẽ có 04 người cần được cập nhật kỹ năng trong vòng 06 tháng. Đồng thời, 90% doanh nghiệp mong muốn rằng nhân viên của mình có thêm kỹ năng mới trong công việc.

Và các khoá học vi mô kèm theo chứng chỉ (micro/nano – credential) ra đời. Với hình thức học tập này, người học chủ động “nâng cấp” bản thân bằng các khóa đào tạo ngắn hạn, trong một lĩnh vực nhất định tại nơi làm việc hoặc trong cộng đồng. Các khóa học này cập nhật nhanh kiến thức về theo 3 tiêu chí: ngắn gọn, tập trung và dễ hiểu, và cấp các chứng chỉ, chứng nhận cho người học. Nhờ ưu thế chỉ tập trung vào một số kỹ năng và nền tảng chuyên môn, chứng chỉ vi mô giúp học viên dễ dàng ứng dụng kiến thức đã học ngay vào công việc hoặc tạo tiền đề để tiếp tục theo đuổi các bậc học cao hơn trong tương lai.

Đã có gần 1,200 khoá học micro-credential được triển khai ở 950 trường đại học trên khắp thế giới (theo ClassCentral, 2020). Báo cáo Education Dynamics’ 2021 của Higher Ed Landscape cũng chỉ ra tỷ lệ hoàn thành chương trình đào tạo ngắn hạn ngày càng tăng. Thậm chí, các khóa học micro-credential đã trở thành một phần trong chiến lược đào tạo của nhiều tổ chức và doanh nghiệp, để hỗ trợ người đi làm liên tục nâng cao chuyên môn, nhưng vẫn đảm bảo duy trì được tiến độ công việc.

Kết luận

Trong bối cảnh nền kinh tế “ngủ đông” thời gian qua, thị trường giáo dục nói chung và Edtech nói riêng vẫn vô cùng sôi động với hàng loạt cải tiến mới và những thương vụ lớn. Dự kiến tới năm 2027, dung lượng thị trường sẽ đạt tới mức 462.6 tỷ đô. Các doanh nghiệp khi tìm kiếm chỗ đứng trong bức tranh khổng lồ này cần quan tâm đến những vấn đề cốt lõi: xu hướng phát triển của công nghệ ảnh hưởng đến hành vi dạy, học; bài toán mục tiêu và không ngừng thích nghi.

Nguyễn Thị Ngọc

Giám đốc Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu & Trung tâm Violympic

Công ty Hệ thống Thông tin FPT

(Theo FPT IS)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây