Bạn có bao giờ nhận thấy, Tiki, Shopee hiểu bạn muốn mua gì, Facebook, Youtube, Spotify, Netflix,…hiểu bạn muốn xem gì hơn cả chính bản thân bạn? Coca Cola cũng đã từng làm chúng ta phát sốt với những lon nước ngọt có in tên mình. Những “gã khổng lồ” ấy đã tiên phong trong kỷ nguyên ứng dụng công nghệ và dữ liệu để tạo ra trải nghiệm cá nhân. Cá nhân hóa đã trở thành một chuẩn mực cho tất cả các ngành dịch vụ.
Khảo sát thế hệ Thiên niên kỷ toàn cầu 2019 của Deloitte chỉ ra thế hệ Millennial xem trọng những trải nghiệm. Ngày nay, khái niệm “một cho tất cả” (one-size-fits-all) đã không còn đúng nữa. Tất cả ngành nghề không chỉ chú trọng nâng cao trải nghiệm cá nhân của từng “khách hàng” mà hơn hết là muốn xây dựng một mối quan hệ bền vững 1:1 với những người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ.
Tương tự như các lĩnh vực khác, mô hình giáo dục cá nhân hóa cũng đã xuất hiện từ lâu và trở thành yêu cầu cơ bản của giáo dục thời đại 4.0. Chúng ta thừa nhận rằng, khúc mắc lớn nhất trong giáo dục là giải quyết sự khác nhau giữa phong cách và tốc độ học của mỗi cá nhân. Do đó, mỗi người cần một chương trình dạy và học phù hợp với nhu cầu, khả năng, sở thích, nền tảng xuất thân,…của mình. Đó chính là cá nhân hóa trong giáo dục. Trong thời đại phát triển của công nghệ, máy móc có thể thay con người xử lý hàng loạt thao tác được lập trình sẵn. Bởi vậy, nếu con người không tạo được sự khác biệt mà chỉ hao hao như các cỗ máy thì sẽ sớm bị thay thế.
Để có thể phân hóa học sinh, việc phát hiện điểm mạnh, điểm yếu, đánh giá đúng năng lực của học sinh là điều then chốt. Với cách giáo dục truyền thống, việc này được thực hiện bởi các giáo viên – những người luôn theo sát quá trình học tập của trẻ. Tuy nhiên, một giáo viên thường phụ trách nhiều lớp, một năm học có thể dạy tới hàng trăm học sinh. Việc giáo viên có thể kèm 1:1 với tất cả học sinh là điều không thể.
Cùng với những đột phá trong công nghệ, phần việc tưởng chừng như chỉ có thể được thực hiện bởi kinh nghiệm dần dần đã được chinh phục bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Một cách dễ hiểu, trí tuệ nhân tạo AI là một chương trình máy tính có khả năng mô phỏng, bắt chước các chức năng “nhận thức” của con người, như học tập và giải quyết vấn đề. Khi một “cỗ máy” có thể “học” được các hành vi, thói quen của bạn, nó dễ dàng đoán biết sở thích và gợi ý những nội dung tương tự, phù hợp với bạn đến…ngỡ ngàng. Trong tương lai, thay vì dồn hết trách nhiệm tạo chương trình học lên vai một hay một số giáo viên, AI sẽ đảm nhận trách nhiệm này: đưa ra những chương trình hợp lý, phù hợp với từng yêu cầu chuyên biệt của mỗi học sinh.
Vậy AI ứng dụng vào giáo dục như thế nào?
Sau hơn 2 năm nghiên cứu và phát triển, FPT đã xây dựng hệ thống học tập VioEdu có khả năng tự động mô hình hoá sơ đồ tri thức của người học. Đồng thời chỉ ra những “node” kỹ năng nào mạnh – yếu của từng học sinh. Đây có thể coi là một bước tiến đáng kể của trí tuệ nhân tạo, mở đường cho công nghệ tiếp cận và hỗ trợ sâu cho các hoạt động giáo dục. Để làm được điều đó, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của rất nhiều chuyên gia giáo dục đầu ngành, VioEdu đã xây dựng cơ sở dữ liệu về mức độ liên quan giữa các kỹ năng, và trọng số tương ứng của 1 kỹ năng với 1 kỹ năng khác liên quan tới nó.
Từ đó, trí tuệ nhân tạo của VioEdu đã “học” được phương pháp nhận định như một giáo viên lâu năm, biết được khi học sinh yếu 1 kỹ năng, thì những kỹ năng nào là nguyên nhân cốt lõi gây ra vấn đề.
Khi 1 học sinh luyện tập trên hệ thống, AI tự động mô hình hóa sơ đồ kiến thức của học sinh thành các node kỹ năng liên kết với nhau. Tới thời điểm hiện tại, AI này đã có thể đánh trọng số cho từng kỹ năng trong sơ đồ kiến thức này với từng mục tiêu cụ thể khác nhau.
Cá nhân hóa học tập – đích đến của AI trong giáo dục
Sau khi nhận định chi tiết được những kỹ năng nào là quan trọng với từng học sinh, VioEdu có nhiều cách khác nhau để hướng học sinh tới việc luyện tập các kỹ năng đó.
- Mô hình câu hỏi “cha – con”, điều chỉnh và gợi ý các câu hỏi phù hợp cho học sinh ngay khi đang luyện tập.
- Hệ thống thiết lập các thử thách ngày, thử thách tuần để kích thích học sinh tập trung nhiều hơn vào các kỹ năng quan trọng.
- Các gợi ý điểm mạnh, điểm yếu được tích hợp vào phần giao bài tập về nhà của giáo viên, giúp giáo viên đồng hành, định hướng cho học sinh trong quá trình học tập.
- Các kỹ năng mạnh, yếu được đồng bộ vào báo cáo của phụ huynh học sinh, phụ huynh có thể nắm bắt năng lực học của con và giúp con cải thiện.
- VioEdu tích hợp nhiều phương pháp gamification khác nhau nhằm kích thích sự hào hứng học tập, thi đua của các bạn học sinh như việc xây dựng các nội dung lý thuyết bằng video hoạt hình; các phần thưởng tạo động lực; những sân chơi đối kháng; bộ câu hỏi mang tính tương tác cao giữa học sinh và hệ thống;…
Bên cạnh việc cá nhân hóa học tập, trong tương lai, công nghệ sẽ giúp cho việc giáo dục trở nên hiệu quả hơn theo nhiều cách khác nhau, như đưa nội dung học tập chất lượng cao tới những khu vực xa xôi, hay chuẩn hóa học liệu ở các tiêu chuẩn cao hơn, chính xác và tường minh hơn,…
Những người đứng đầu ngành giáo dục tại Việt Nam đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của cá nhân hóa và ứng dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục. Trong Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học để thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp. Dự thảo có bổ sung nhiệm vụ mới, là học sinh phải “biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên”. Các em cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm. Như vậy, cá nhân hóa giáo dục và đề cao việc tự chủ học tập của học sinh sẽ sớm được chính thức công nhận, dần thay thế cho các phương pháp truyền thống. Lúc này, vai trò của giáo viên sẽ dần chuyển hóa thành các “huấn luyện viên”, tập trung nhiều hơn vào việc truyền tải năng lượng, niềm yêu thích, khơi dậy động lực và tinh thần hiếu học trong mỗi em học sinh.
Giáo dục cá nhân hóa là môi trường thuận lợi nhất để mỗi cá nhân phát triển, hoàn thiện và khác biệt nhất. Đồng thời, tương tự như các sản phẩm, dịch vụ khác, cá nhân hóa sẽ giúp xây dựng một cộng đồng với những mối quan hệ bạn – bè, thầy – trò, cha mẹ – con cái thật sự thấu hiểu.
[…] nhiên để việc học được hiệu quả nhất, em đã vạch ra một lộ trình học tập rõ ràng, xây dựng thời gian biểu phù hợp và thực hiện theo. Em phân chia các […]
[…] sinh khi học tập trên VioEdu sẽ được học bài bản theo lộ trình cá nhân hoá. Tuỳ thuộc vào năng lực người học mà hệ thống sẽ đưa ra các câu hỏi từ […]